Dự thảo đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Băn khoăn về hệ thống giải pháp

Chủ nhật - 14/05/2023 22:24
Hội nghị góp ý, phản biện xã hội Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 11/5 ghi nhận nhiều băn khoăn, trăn trở với dự thảo hồ sơ quy hoạch.
Dự thảo đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Băn khoăn về hệ thống giải pháp
Hội nghị góp ý, phản biện xã hội Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 11/5 ghi nhận nhiều băn khoăn, trăn trở với dự thảo hồ sơ quy hoạch.
Đô thị di sản Hội An sẽ là một trong 3 cửa ngõ phát triển của Quảng Nam theo dự thảo quy hoạch tỉnh. Ảnh: Q T
Đô thị di sản Hội An sẽ là một trong 3 cửa ngõ phát triển của Quảng Nam theo dự thảo quy hoạch tỉnh. Ảnh: Q T

Quá nhiều hành lang, trung tâm và đột phá

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh, Quảng Nam định hướng phát triển không gian thành 2 vùng (vùng Đông, vùng Tây); phát triển không gian thành 3 cửa ngõ (Khu kinh tế mở Chu Lai, Đô thị di sản thế giới Hội An, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang); hình thành 3 cụm động lực (Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc; Duy Xuyên - Thăng Bình - Quế Sơn; Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành) và phát triển không gian theo 8 hành lang.

Thêm nữa, Quảng Nam đặt mục tiêu hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, du lịch quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, silica quốc gia; trung tâm nông lâm nghiệp chế biến sâu; trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.

Đi kèm với đó là 6 đột phá về kết cấu hạ tầng và đô thị; đột phá về công nghiệp; đột phá về dịch vụ, du lịch; đột phá về nông nghiệp; đột phá về xã hội, môi trường sinh thái; đột phá về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Ông Lê Tú - Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đặt vấn đề, phải chăng dự thảo quy hoạch tỉnh đã hoạch định quá nhiều hành lang, trung tâm và đột phá. Việc phân bổ không gian phát triển sẽ quyết định tất cả đến yếu tố phát triển về sau và quy hoạch gì thì cũng phải có hệ thống giải pháp để thực thi.

“Quá nhiều trung tâm dẫn đến phân tán nguồn lực đầu tư, thậm chí có những trung tâm không khả thi. Các đột phá được đề cập mới chỉ là các giải pháp bình thường mà lâu nay chúng ta vẫn thực hiện. Còn các hành lang, nhất là 5 nhánh hàng lang đông - tây có tính trùng lắp, cần gắn với phát sinh từ lịch sử, cụm động lực và tầm nhìn phát triển của vùng đất” - ông Lê Tú nói.

Đột phá về hạ tầng và đô thị là 1 trong 6 mục tiêu đột phá được đặt ra trong dự thảo quy hoạch tỉnh. TRONG ẢNH: Đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.T
Đột phá về hạ tầng và đô thị là 1 trong 6 mục tiêu đột phá được đặt ra trong dự thảo quy hoạch tỉnh. TRONG ẢNH: Đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói, việc thiết lập 5 hành lang theo hướng đông - tây đúng là khá chằng chịt nhưng đã bám theo hiện trạng các tuyến quốc lộ sẵn có trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề ở trên đã cân nhắc nhiều lần nhưng cơ quan có trách nhiệm sẽ tiếp tục cầu thị lắng nghe để hoàn thiện trước khi trình hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia.

Cần danh mục các dự án trọng điểm

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, quy hoạch là xương sống cho sự phát triển, mở ra tầm nhìn chiến lược, cơ sở huy động nguồn lực, bảo đảm an ninh trật tự kinh tế - xã hội của tỉnh ở cả một thời kỳ.

“Quảng Nam có khát vọng hình thành nhiều trung tâm, trong đó có trung tâm về dược liệu, tuy nhiên điều này không đơn giản. Để có cơ sở thực thi cần định hình danh mục dự án trọng điểm của Quảng Nam trong dự thảo quy hoạch này.

Có danh mục dự án trọng điểm cụ thể thì mới có cơ chế chính sách, giải pháp nhân lực, huy động vốn, tổ chức thực hiện giám sát… tương ứng để hiện thực hóa” - ông Võ Xuân Ca nói.

Các đại biểu tham gia hội nghị phản biện xã hội cũng đồng tình về việc cần làm rõ tính khả thi của một số định hướng, chiến lược trong đề án. Có thể đề cập việc phát triển Điện Bàn thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới - sáng tạo hoặc mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GRDP của tỉnh vào năm 2030, hay tầm nhìn đưa Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050… Các mục tiêu, định hướng trên hoặc còn quá mông lung hoặc quá khác biệt so với hiện trạng của các khu vực.

Quang cảnh hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Q.T

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay, mục tiêu đóng góp 30% GRDP của kinh tế số của tỉnh vào năm 2030 khá mơ hồ, bởi hiện nay trên phạm vi toàn quốc cũng đang khá mông lung về khái niệm kinh tế số.

Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ một số nội dung được đề cập trong quy hoạch bởi lợi bất cập hại, như đầu tư điện gió tại Cù Lao Chàm, không thể cứ đủ điều kiện về sức gió, chiều cao đặt tua bin là nghiên cứu đầu tư điện gió được.

Về vấn đề kinh tế số, cả đại diện liên danh tư vấn đều nhìn nhận rất khó xác định, bởi ngay cả Bộ TT-TT hiện cũng chưa có bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng về kinh tế số.

Việc đề ra mục tiêu này dựa trên 2 căn cứ là quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết 26 về phát triển khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu thành tỉnh khá thì con số kinh tế số không thể thấp hơn mục tiêu của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hưng cho hay, đây là lần đầu tiên cả nước thực hiện quy hoạch tổng thể các cấp, tích hợp tất cả lĩnh vực nên việc thực hiện gặp khó về phương pháp, cách thức tổ chức bởi nội dung rất lớn.

Ở bản dự thảo với nội dung đầy đủ sẽ hiển thị hầu hết vấn đề còn băn khoăn, trong đó có danh mục các dự án trọng điểm. Sau khi phê duyệt quy hoạch tỉnh, nếu phát sinh bất cập thì tùy thực tế sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh.

Theo baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Dự thảo đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Băn khoăn về hệ thống giải pháp

Dự thảo đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Băn khoăn về hệ thống giải pháp

Hội nghị góp ý, phản biện xã hội Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 11/5 ghi nhận nhiều băn khoăn, trăn trở với dự thảo hồ sơ quy hoạch.

Xem tiếp...